Bất động sản khu công nghiệp hưởng ‘vận may’ hiếm có

Tính đến thời điểm hiện tại, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai chính sách tín dụng cho vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ngân hàng dồn mục tiêu vào bất động sản khu công nghiệp

Đáng chú ý, phân khúc này được VPBank áp dụng mức lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng (tương đương 7,2%/năm) và chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản.

Được biết, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thường sở hữu diện tích đất rộng, vị trí chiến lược thuận lợi, kết nối với các hệ thống giao thông trọng điểm, giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí vận tải nên thường được doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ lựa chọn làm “cứ điểm”.

batdongsankhucongnghiep

Nhiều khu công nghiệp được hưởng lợi từ sự phát triển của hạ tầng giao thông (ảnh: khu công nghiệp Mỹ Thuận)

Chính phủ cũng dành nhiều sự quan tâm cho loại hình bất động sản này, với nhiều chính sách, thông tư ưu tiên đặc thù nhằm khuyến khích cho vay đối với dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp; đồng thời hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Từ cuối tháng 4 năm nay, VPBank đã triển khai chính sách cho vay hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cụ thể, với các doanh nghiệp vay vốn để thanh toán tiền thuê, mua bất động sản tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp bao gồm cả đất thuê trả tiền hàng năm sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng.

Đối với các doanh nghiệp vay với mục đích đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà xưởng sẽ được hưởng ân hạn trả gốc lên đến 18 tháng. Điều này giúp doanh nghiệp ổn định dòng tiền, giảm áp lực thanh toán gốc để tập trung vào mục đích sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, VPBank cũng có cơ chế lãi suất hấp dẫn, giảm lãi suất hơn các khoản vay thông thường dành cho doanh nghiệp muốn bổ sung vốn lưu động.

Điểm đặc biệt hơn nữa là chính sách ưu đãi này của VPBank chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạn mức cho vay lên tới 70% giá trị hợp đồng và thời hạn vay lên tới 20 năm.

Theo tìm hiểu của PLO, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thuộc nhóm Big 4 cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản thương mại vẫn đang còn khá im ắng thì bất động sản khu công nghiệp là “đích ngắm” của đa số các ngân hàng thương mại.

Vấn đề còn lại ở đây chỉ là các ngân hàng cạnh tranh nhau bằng cách nào mà thôi. Có ngân hàng thì cạnh tranh về lãi suất nhưng cũng có ngân hàng lại cạnh tranh về dịch vụ…”

Lợi cả đôi đường

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với chính sách này, làm phép tính đơn giản có thể thấy nếu doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, mua đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích khoảng 10.000 m2, đơn giá trung bình ước tính khoảng 5 triệu/m2 thì tổng số tiền phải chi là 50 tỉ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ mà doanh nghiệp phải sẵn sàng chi trả để đảm bảo ổn định kinh doanh trong dài hạn.

Việc tiếp cận nguồn vốn để chi trả cho khoản thuê, mua này cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh các ngân hàng chưa sẵn sàng tài trợ cho mục đích này, hoặc yêu cầu tài sản bảo đảm khác có giá trị tương ứng.

Tuy nhiên, VPBank đã giải được bài toán này một cách đơn giản khi cho vay trường hợp này lên tới 35 tỉ đồng trong vòng 20 năm, cùng lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,6%/tháng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi kép, vừa có nguồn vốn dồi dào, vừa tối ưu chi phí lãi vay.

Theo nghiên cứu của bộ phận phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VPBank, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp thường có bề dày hoạt động nhiều năm, có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, lượng đơn hàng ra – vào tốt, đảm bảo nguồn trả nợ ổn định.

Do đó, việc mở rộng hình thức chấp nhận tài sản đảm bảo cho khoản vay không chỉ giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng giá rẻ, mà còn giúp cho ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và đóng góp một cách thiết thực nhất vào sự phục hồi của nền kinh tế.

 

Translate »