Last Updated on 28/09/2024 by Phong Đại
Trong số 299 khu công nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các khu công nghiệp sinh thái.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec trong phiên thảo luận số 3 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp” tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Vương Quốc Anh năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó nổi bật là cam kết đưa Phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP27 và 28, cam kết trên đều được tái khẳng định, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Nhiều thách thức hạn chế các khu công nghiệp sinh thái. ( ảnh: khu công nghiệp Mỹ Thuận – Nam Định )
Hiện nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc “giảm nâu – tăng xanh”, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 5/2024, cả nước đã có 425 khu công nghiệp đã thành lập; tổng diện tích đất tự nhiên là 130.700, quỹ đất công nghiệp là 89.200 ha.
Trong đó, có 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên là 92.000 ha, quỹ đất công nghiệp là 62.700 ha. Số khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng là 126 khu, tổng diện tích đất tự nhiên là 38.700 ha, quỹ đất công nghiệp là 26.200 ha.
Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec thông tin, trong số 299 khu công nghiệp đang hoạt động này, chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các khu công nghiệp sinh thái.
Theo ông Điệp, có nhiều rào cản trong việc chuyển đổi. Cho đến nay, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đơn cử, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn. Còn theo Luật Bảo vệ môi trường, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao… thì chưa có quy định cụ thể.
Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của một khu công nghiệp sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào khu công nghiệp truyền thống, thay vì đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.
Theo ông Hồng Điệp, việc “xanh hoá” này còn một rào cản nữa đó chính là quy trình thẩm định khu công nghiệp sinh thái trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận phải trải qua 6 bộ, ngành. Điều này tốn nhiều thời gian, làm lỡ đi cơ hội của doanh nghiệp. Mặt khác, gần 2 năm qua, Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh để căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào để quyết định đầu tư, để tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh trong nước và quốc tế.
“Chính bản thân Shinec trong quá trình xây dựng Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền cũng đang gặp phải một số khó khăn như vậy. Theo chúng tôi, phải xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi khu công nghiệp cũ, truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái.
Đồng thời cần sớm có luật về khu công nghiệp, trong đó những quy định về khu công nghiệp sinh thái được quy định rõ ràng… để thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới; thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái”, Chủ tịch Shinec thông tin.
Trong khi chờ đợi thêm các chính sách hỗ trợ, mới đây, Shinec đã tích hợp ESG vào định hướng phát triển của khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.
“Chúng tôi đã mời PwC, một trong 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới lập Báo cáo ESG. Báo cáo này mất đến 6 tháng thực hiện mới hoàn thành và đã công bố vào ngày 28/4 vừa rồi. Sau báo cáo ESG này, Shinec đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon”, ông Điệp chia sẻ định hướng trong thời gian tới.