Last Updated on 18/07/2024 by Phong Đại
Để sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng công nghiệp đón nhà đầu tư đến, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển thêm 10 Khu công nghiệp (KCN) ở giai đoạn 1, gồm: Hồng Tiến, Trung Thành (Ý Yên), Xuân Kiên, Lạc Xuân, Thượng Thành (Xuân Trường), Hải Long, Thịnh Tân (Giao Thủy), Nam Hồng (Nam Trực), Thắng Lợi (Vụ Bản), Minh Châu (Nghĩa Hưng), nâng tổng diện tích quy hoạch các KCN đến năm 2030 là 2.546ha.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN từ sớm; đặc biệt đối với nhóm các dự án mà doanh nghiệp đã có định hướng đầu tư; các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư trong mọi phần việc, từ xúc tiến, tiếp cận và thúc đẩy tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng.
Tỉnh đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh phải tập trung dồn lực, phát huy tối đa trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần việc liên quan, trong đó chú trọng bám sát hướng dẫn chỉ đạo và đề xuất, thúc đẩy tiến độ thông qua, phê duyệt các thủ tục từ các đơn vị liên quan cấp Trung ương. Tỉnh phân công đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng chủ trì, điều hành giải quyết các phần việc; đồng thời yêu cầu mỗi đơn vị sở, ban, ngành phải bố trí một đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên trách để chủ động xử lý các phần việc đảm bảo tiến độ đề ra.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận đã sẵn sàng mặt bằng sạch, cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp.
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 257/UBND-VP5 ngày 12/3/2024 về việc đồng ý chủ trương tổ chức lập quy hoạch xây dựng 6 KCN gồm: Hải Long (khoảng 1.100ha); Thịnh Tân (khoảng 400ha); Nam Hồng (khoảng 200ha); Thượng Thành (khoảng 395ha); Minh Châu (khoảng 300ha); Lạc Xuân (khoảng 210ha). Đối với 3 KCN đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng gồm Hải Long, Minh Châu, Nam Hồng, tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương triển khai, chịu trách nhiệm về tiến độ từng phần việc liên quan gồm: Lập quy hoạch chung các KCN, lập quy hoạch phân khu các KCN, lập hồ sơ đề xuất dự án, thẩm định và xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lễ khởi công thi công xây dựng công trình… Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các sở, ban, ngành để bàn bạc, xác định cụ thể các cơ chế chính sách có thể vận dụng, thống nhất các phần việc liên quan có thể tiến hành song song, đồng bộ nhằm cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục hành chính giúp đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cũng tổ chức các buổi làm việc với các nhà đầu tư các dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện, nắm bắt và kịp thời thống nhất biện pháp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên quan điểm tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các phần việc thuộc thẩm quyền địa phương với tiến độ nhanh nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật; sẵn sàng đồng hành với nhà đầu tư để thực hiện các phần việc liên quan đến các bộ, ngành Trung ương; riêng các phần việc có nhiều vướng mắc thì các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Trung ương để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết.