Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chờ đợi “sức sống mới” từ bất động sản công nghiệp

Việc các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8 tới đây đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. Trong đó, bất động sản công nghiệp đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

Tính đến giữa năm nay, cả nước có 418 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 4 khu chế xuất, được thành lập tại 61/63 tỉnh thành với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 129,9 nghìn hécta. Trong số này, 296 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích đất tự nhiên khoảng 92,2 nghìn hécta và diện tích đất công nghiệp khoảng 63 nghìn hécta. Một số dự án KCN đáng chú ý được phê duyệt và triển khai trong quý vừa qua bao gồm: KCN Việt Hàn mở rộng tại Bắc Giang (147,31ha), KCN Hiệp Thạnh giai đoạn 1 tại Bình Phước (495,17ha), KCN Sông Công II giai đoạn 2 tại Thái Nguyên, KCN VSIP II Quảng Ngãi giai đoạn 1 tại Quảng Ngãi (497,7ha), và KCN Thịnh Phát mở rộng tại Long An (112,87ha).

Các KCN và khu kinh tế (KKT) đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và hơn 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,54 triệu tỉ đồng và 231 tỉ USD. Vốn FDI trong KCN và KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.

batdongsancongnghiepnamdinh

Bất động sản công nghiệp đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển ( ảnh: khu công nghiệp Mỹ Thuận )

Bất động sản công nghiệp đã được Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích phát triển với nhiều quy định thuận lợi như chỉ định nhà đầu tư, Nhà nước thu hồi đất, và việc nộp tiền sử dụng đất hàng năm để thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích sản xuất.
Với Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ ngày càng thuận lợi hơn nhờ các quy định mới. Ví dụ, doanh nghiệp khi hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền thuê đất sẽ được phép thế chấp và chuyển nhượng dự án, giúp thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường. Với nền tảng phát triển từ năm 2023, sang năm 2024, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển sôi động. Trong trung và dài hạn, bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc thu hút đầu tư tốt, có triển vọng tăng trưởng về giá bán và thanh khoản.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), nhận định rằng, Việt Nam đang từng bước xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm việc chuẩn hóa các KCN và cụm công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh. Định hướng quan trọng khi phát triển các KCN là tạo ra các hệ sinh thái và mối liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN, từ đó tạo nên chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp.

Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN rất tốn kém và thường phải mất từ 5-10 năm để thu hồi vốn và có lãi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và bất động sản công nghiệp phải đối mặt lại là vấn đề giải quyết giấy phép và thủ tục, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Quá trình GPMB làm KCN phức tạp hơn các công trình dân sinh hay dự án quốc phòng, phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của người dân và không thể sử dụng biện pháp cưỡng chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào các luật mới sắp có hiệu lực. Công nghiệp hỗ trợ chắc chắn sẽ được tiếp sức khi thị trường bất động sản công nghiệp khởi sắc.

 

Translate »