Triển vọng sáng với thị trường khu công nghiệp miền Bắc

Theo Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/5 (bao gồm đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 5 tháng ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước – là con số thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã liên tục vươn lên, cải thiện chuỗi giá trị và đứng trước cơ hội hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc + 1” nhờ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, quá trình đa dạng hóa và chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất của các nhà đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc, hướng tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

VPBankS dẫn số liệu của CBRE trong năm 2023, tỷ trọng nhóm khách hàng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông chiếm tới 47% nhu cầu hỏi thuê đất khu công nghiệp (tăng 32% so với năm 2022). Đây là tín hiệu rõ ràng cho một làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc trong thời gian tới.

khu-cong-nghiep-mien-bac

Triển vọng ngành khu công nghiệp ra sao sau quý đầu năm tích cực

Ngày càng có nhiều tập đoàn công nghệ/sản xuất điện tử có kế hoạch cụ thể về việc chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Apple, Dell, Google… VPBankS cho rằng thị trường khu công nghiệp miền Bắc sẽ là điểm đến tiềm năng, nắm bắt cơ hội trong xu hướng dịch chuyển này.

Thị trường khu công nghiệp miền Bắc và Nam đang thể hiện 2 xu hướng đối lập về nguồn cung. Thị trường miền Nam vẫn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung mới khi không có dự án mới nào đưa vào hoạt động tại 5 thị trường cấp một, tỷ lệ lấp đầy đạt 89%. Ngược lại, thị trường miền Bắc đón nhận nguồn cung mới dồi dào trở lại trong quý đầu năm. Tổng nguồn cung mới trong quý tới từ 3 dự án (Tiên Thanh, Nam Đình Vũ – giai đoạn 2.2 tại Hải Phòng và số 3 tại Hưng Yên), cung cấp thêm 597 ha diện tích cho thuê.

Ngoại trừ Hà Nội đã hết dư địa cho thuê, đà tăng giá cho thuê được thể hiện trên toàn thị trường bất động sản khu công nghiệp miền Bắc, ước tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Hải Dương với mức nền giá thấp, dư địa tăng giá còn nhiều và đang thu hút được nhà đầu tư, có mức tăng giá ấn tượng 14% trong quý I.

VPBankS ước tính thị trường khu công nghiệp miền Bắc sẽ ghi nhận nguồn cung mới tại các khu vực cấp 1 và cấp 2 lần lượt là 3.039 ha và 2.268 ha. Các khu vực cấp 2 mới nổi như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang đang là những điểm thu hút vốn FDI, có khả năng cung cấp nguồn cung chất lượng cao cùng với giá cho thuê cạnh tranh, tiệm cận nhóm khu vực cấp 1.

Theo đó, nhà đầu tư có thể lưu ý nhóm doanh nghiệp sở hữu quỹ đất hiện hữu/tương lai lớn ở khu vực miền Bắc, có kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp phù hợp với nhu cầu sản xuất điện tử sẽ có lợi thế trong việc đón làn sóng FDI mạnh mẽ như KBC và IDC.

 

Translate »