Last Updated on 31/07/2024 by Phong Đại
Khu công nghiệp tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển theo bề rộng, hiện đang chuyển mình theo chiều sâu, chuyên biệt để cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng.
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024: “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới” lần thứ tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư tổ chức chiều 30-7, nhiều chuyên gia đưa ra một bức tranh sáng với tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua bất động sản khu công nghiệp (KCN).
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cho rằng Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ thế giới trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vì nhiều lợi thế.
7 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đăng ký mới đạt trên 18 tỉ USD vốn đăng ký, tăng 10,9% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Các dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao có xu hướng tăng.
Khu công nghiệp tại Việt Nam chuyển mình theo chiều sâu
Gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) như Amkor, NVIDIA, HanaMicron… đang quan tâm, mở rộng tại Việt Nam.
Cả nước hiện đã có 425 KCN, khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 89.200 ha. Lũy kế đến hết năm 2023, các KCN, khu kinh tế trên cả nước thu hút được trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài và 10.600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 251,6 tỉ USD và 2,67 triệu tỉ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt tỉ lệ khoảng 68,2% và 45,3%.
Tại hội thảo, ông Trương An Dương, Giám đốc Điều hành khu vực phía Bắc, Công ty Frasers Property Việt Nam, cho rằng các KCN tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ bước 1 sang bước 2.